Bình Xuyên là mảnh đất nằm về phía Nam huyện Bình Giang, theo duy ngôn truyền lại, mảnh đất này có khoảng gần 1000 năm lịch sử. Mảnh đất có bề dầy lịch sử gắn bó với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Bình Xuyên ngày nay có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau.
Mảnh đất Bình Xuyên ngày nay, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gồm 6 thôn (trước gọi là 6 xã): Tó, Bình Đê,, Như, Bình Cách, Chương Cầu, Quàn. Hai thôn Bình Đê, Bình Cách thuộc tổng Hòa Loan, 4 thôn Chương Cầu, Quàn, Như, Tó thuộc tổng Bình An. Bình Xuyên năm kề bên quốc lộ 20, Cách Thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) 12 km về hướng Tây Bắc. Phía Đông xã giáp thôn Hòa Loan xã Nhân Quyền, Phía Tây giáp Nhữ Đông xã Thái Hòa, Phía Nam giáp xã Hồng Quang huyện Thanh Miện, phía Bắc giáp thôn Hoạch Trạch xã Thái Học. Sau khi cách mạng giành chính quyền ngày 19/8/1945, bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, lập đơn vị hành chính cấp xã.
Thôn Bình Đê, trước kia còn gọi là làng Di với 3 xóm: Kênh, Ngõ, Gòi. Thôn Như lúc đầu mang tên Vòng Lăng, sau đổi thành Như Lăng, rồi Học Thôn. Thôn Như gồm 3 xóm làng Như, Trại Như, Dinh Như. Thôn Chương Cầu trước kia còn gọi là Lỗ Cá (làng và ấp). Thôn Quàn trước kia còn gọi là Đoạn thôn, thôn có 3 xóm Cổng Bà, xóm Ngoài, xóm Giữa. Thôn Bình Cách trước đây gọi là Nỗ Cấm được chia làm 3 xóm nhỏ dâu nhất, dâu nhì, dâu ba.
Thôn Tó trước còn gọi là thị thôn, năm 1957 theo quyết định chia lại địa giới hành chính, thôn Tó được cắt về xã Thái Học.
Cũng như bao làng xã của nông thôn Việt Nam, khi hình thành những cụm dân cư, làng nào cũng có tre xanh bao bọc, đầu làng có cây đa, giếng nước và cổng ra vào.
Tuy là 6 thôn, nhưng mỗi thôn lại có những dòng họ khác nhau, mỗi thôn có chính quyền riêng, hương ước riêng, các thôn có mối quan hệ ruột thịt. Họ đoàn kết để đấu tranh với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm, với bọn địa chủ, cường hào để bảo tồn và phát triển. Mọi người dân trong xã có truyền thống đoàn kết chia sẻ, ngọt bùi, đồng cam cộng khổ sống chết có nhau
Diện tích toàn xã ước độ 8km2 , số dân trước cách mạng có 2.400 người thuộc dân tộc kinh hầu hết theo đạo phật. Năm 1930 trở về trước 100% người dân trong xã theo đạo Phật, làng nào cũng xây dựng đình, chùa. Toàn xã có 6 chùa, 6 đình.
Năm 1931 có một số gia đình theo đạo Thiên chúa giáo tại thôn Quàn. Năm 1939 nhà thờ được xây dựng khang trang to đẹp. Toàn xã có 35 hộ theo đạo Thiên chúa giáo.
Dưới thời đế quốc phong kiến đường đi lối lại trong toàn xã là đường đất, do vậy đến mùa mưa là lầy lội, có xóm bị úng nước triền miên như xóm Dâu 3 (Bình Cách).
Tháng 8/1945 chính quyền về tay nhân dân, đường xá được cải tạo dần và đến năm 1960 trở đi mọi con đường liên thôn, liên xã đều được cải tạo, tôn cao mở rộng. Được sự đầu tư và đóng góp của nhân dân, xã cho đắp con đường từ Phía Nòn chạy qua xóm Gòi (Bình Đê), rồi đổ về cầu Quàn. Từ năm 1960 đồng ruộng được quy hoạch, sông ngòi được nạo vét, một số ngòi được đào đắp để lấy nước tưới cho đồng ruộng.
Nghề sống chính của nhân dân Bình Xuyên là làm nông nghiệp. Cây trồng chủ yếu là lúa nước, ngoài ra còn trồng ngô, khoai và các loại cây nông nghiệp như : bông, đay, mía, thuốc lào. Nhân dân Bình Xuyên cần cù chịu khó, chất phác, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu lao động và không sợ hy sinh gian khổ.
Thực hiện quyết định số 1661/QĐ-UBND, ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thành lập các thôn mới trên địa bàn các xã trực thuộc huyện Bình Giang, thôn Dinh Như và thôn Trại Như được sáp nhập thành 1 thôn là Thôn Dinh Trại Như. Như vậy, kể từ ngày 01/6/2019, xã Bình Xuyên có 8 thôn: Kênh, Ngõ, Gòi, Như, Dinh Trại Như, Quàn, Chương Cầu, Bình Cách.
Cuộc sống tinh thần của người Bình Xuyên khá phong phú, đa dạng, biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo mà sự phản ánh rõ nét nhất là các lễ hội truyền thống của làng, xã cuốn hút sự tham gia đông đảo của người dân. Xưa kia mỗi làng xã, nhân dân đều xây dựng những ngôi đình, chùa có cảnh quan đẹp với kiến trúc độc đáo trang nghiêm, cổ kính như: Đình thôn Như, Miếu chùa Bình Đê, Đình Thôn Bình Cách, Đình Thôn Chương Cầu, Đình Thôn Quàn. Trải qua thời gian, do chiến tranh, bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp và thiên nhiên tàn phá, hoặc được nhân dân hạ giải lấy vật liệu xây dựng trường học, trụ sở làm việc hành chính của xã, hợp tác xã nông nghiệp...do vậy chỉ còn lại ngôi miếu chùa cổ Bình Đê. Ngày nay, các thôn trong xã đều khôi phục lại đình, chùa làng.
Cho đến nay, xã Bình Xuyên có 02 di tích được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh gồm:
Miếu chùa Bình Đê còn có tên gọi khác là Miếu, chùa làng Di (Sùng Khánh tự) là ngôi miếu chùa chung của 3 thôn là thôn Kênh, thôn Ngõ, thôn Gòi. Ngôi miếu chùa nằm trên diện tích đất của thôn Gòi. Theo cuốn lý lịch di tích Miếu chùa Bình được xây dựng khá sớm, nhưng đã bị phá hủy từ năm 1949. Năm 1992 địa phương khôi phục lại toàn bộ ngôi chùa trên nền cũ. Năm 2004 hoàn thiện một số hạng mục công trình, tôn tạo sân vườn, cảnh quan đẹp, các hạng mục công trình kiến trúc nối tiếp nhau. Miếu chùa Bình Đê tôn thờ ba vị Thành hoàng vị đệ nhất hiệu là Thiên Bồng-húy là Khai Công. Vị đệ nhị hiệu là Linh Quang-húy là Phù Công. Vị đệ tam hiệu là Thượng Đạt-húy là Hiển Công. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Miếu chùa Bình Đê nơi hoạt động cách mạng của các người con yêu nước xã Bình Xuyên, và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Bình Xuyên. Năm 2006, Miếu chùa Bình Đê được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh.
Nhà thờ và Lăng mộ tiến sĩ Lưu Khải Chuyên được có tên gọi khác là “Từ đường Lưu tộc" tức Nhà thờ họ Lưu. Tọa lạc trên mảnh đất Bình Cách, Làng Bình Cách có tên Nôm là làng Gạch, xưa còn gọi là Nỗ Cấm. Di tích là nơi tôn thờ, tôn vinh Tiến sĩ Lưu Khải Chuyên, người có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự phát triển của quốc gia Đại Việt trong thế kỷ XVI trên nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục… được triều đình ghi nhận, sử sách lưu truyền, nhân dân ngưỡng mộ. Lưu Khải Chuyên là người xã An Đê, huyện Đường An, nay là thôn Bình Cách, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng từ nhỏ Lưu Khải Chuyên sớm có tư chất thông minh hơn người, nhưng lại có chí theo nghiệp học. Khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3 (1518) đời vua Lê Chiêu Tông, bảng này lấy đỗ 17 người, trong đó Lưu Khải Chuyên đậu đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Đệ tam danh hay còn gọi là Thám hoa, đứng thứ ba trong tam khôi. Sau khi đậu đại khoa, Lưu Khải Chuyên làm quan dưới triều Lê-Mạc. Ông làm quan tới chức Hữu Thị lang Bộ Hình.. Ông cống hiến phục vụ triều chính nhà Lê và nhà Mạc từ năm 1518-1541. Đến năm 1541 ông về trí sĩ tại quê nhà thôn Bình Cách. Lưu Khải Chuyên mất ngày 03/3/1551, thi hài của ông được chôn cất tại quê hương. Nhà thờ họ Lưu được xây dựng tại trung tâm thôn Bình Cách trên một khu đất bằng phẳng, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Cách cụm di tích dình chùa Bình Cách 200m về phía Bắc, tạo thành quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng nhân dân địa phương. Đồng thời là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống hiếu học và khoa bảng cho con cháu dòng họ Lưu nói tiêng và thế hệ trẻ tại đia phương nói chung trong học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Di tích còn bảo lưu khá nguyên vẹn kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết, các mảng chạm khắc theo đề tài là lật, tứ quý… mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Năm 2022, nhà thờ họ Lưu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là "di tích lịch sử" cấp tỉnh.
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, cuộc sống bình an. Lễ hội thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, nhất là sau tết nguyên đán là làng vào đình đám, lễ hội. Phần lễ có rước kiệu, cúng, tế. Phần hội có tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như kéo co, đánh vật, chọi gà, đánh cờ tướng, hát chèo, ca trù, chầu văn... Đây là những ngày vui nhất trong năm, được nhân dân trân trọng duy trì, giữ gìn và trở thành những ngày lễ hội truyền thống ở địa phương.
Dưới chế độ phong kiến, thực dân, bọn quan lại, hào lý, chức sắc ở địa phương lợi dụng lễ hội bóc lột, gây phiền hà sách nhiễu, gieo rắc mê tín dị đoan cho nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975) các lễ hội truyền thống ở địa phương bị mai một dần. Ngày nay, đời sống nhân dân phát triển, các lễ hội truyền thống được phục hồi gắn liền với kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như: Ngày thành lập Đảng 03/2, Quốc Khánh 02/9, Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam 30/4, ngày Quốc tế Lao động 01/5, ngày sinh nhật Bác 19/5,... được nhân dân hăng hái tham gia.
GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Bình Xuyên nằm kề bên quốc lộ 20, các thị trấn Kẻ Sặt 12km về hướng Tây Bắc, cách huyện lỵ Thanh Miện cũ khoảng 7km về hướng Đông Nam. Phía Đông giáp thôn Hòa Loan xã Nhân Quyền, phía Tây giáp Nhữ Đông xã Thái Hòa. Phía Nam giáp xã Hồng Quang Thanh Miện, phía Bắc giáp Hoạch Trạch xã Thái Học. Là xã có đường trục chính nối với đường 392 vì vậy thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng diện tích tự nhiên của xã là: 858,73 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp 511,3 ha chiếm 59,5%; đất phi nông nghiệp 347,43 ha chiếm 40,5%. Xã có 8 thôn gồm: Thôn Kênh, thôn Ngõ, thôn Gòi, thôn Như, thôn Dinh Trại Như, thôn Quàn, thôn Chương Cầu và thôn Bình Cách với 3.173 hộ và 11.348 nhân khẩu, tốc độ phát triển dân số tự nhiên là 1%.
Đảng bộ xã có 527 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ (08 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học; 01 chi bộ Trạm y tế; 01 chi bộ quân sự; 01 chi bộ Công an; 01 chi bộ HTXDVNN, 01 chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân xã); Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu 13 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXIX. Là xã có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; có tinh thần yêu nước, đoàn kết dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, giàu lòng hiếu nghĩa, thủy chung gắn bó với quê hương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, kinh tế phát triển, nhân dân trong xã luôn đoàn kết tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm.
Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau đều cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 66 triệu đồng/người/năm.
Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; Trường Tiểu học đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ II, trường Mầm non và THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ I.
Trạm y tế xã giữ vững danh hiệu chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Năm 2023 xã có 8/8 thôn đạt danh hiệu Làng văn hoá, 8/8 thôn và Trường THCS đạt chuẩn về an ninh trật tự.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện nay của xã là 1,64%.
Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của xã hoạt động có hiệu quả; phát huy tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và tuyên truyền vận động toàn thể nhân dân nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng, không ngừng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của xã trong sạch vững mạnh./.